Kỳ 1: 3.000 ngày trên đất lửa
Kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7, năm nào người dân Quảng Trị và nhiều cựu quân nhân khắp mọi miền đất nước vẫn tề tựu về thả hoa trên sông Thạch Hãn, tưởng niệm đồng đội. Không nơi nào trên cả nước nghĩa trang liệt sĩ lại nhiều như Quảng Trị. Trên địa bàn tỉnh có 72 nghĩa trang, trong đó có hai nghĩa trang quốc gia và hai nghĩa trang không mộ là mảnh đất Thành Cổ và lòng sông Thạch Hãn.
Bảo tàng chứng tích chiến tranh
Chúng tôi tìm gặp Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Quốc phòng, người giữ cả một “kho tàng” quân sử về Quảng Trị. Năm nào, cứ dịp tháng 7 ông đều thăm lại chiến trường xưa, về nơi ông coi là quê hương thứ hai mang nặng bao nghĩa tình đồng đội. “Năm nay tôi đã đến tuổi 77 rồi, đã 58 tuổi quân, tôi có rất nhiều kỷ niệm nhưng ký ức ở chiến trường Quảng Trị có lẽ là sâu nặng nhất. Quảng Trị có thể nói là quê hương thứ hai của tôi, đó là tình sâu nghĩa nặng đối với đồng bào, đồng chí và đồng đội”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu chậm rãi kể lại câu chuyện của ông.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu giới thiệu cuốn sách ảnh những nơi đã qua trong cuộc đời binh nghiệp. Ảnh: HẢI NAM
Quảng Trị là mảnh đất mà Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu khi xưa đã trải qua tám năm thanh xuân, gần 3.000 ngày sát cánh chiến đấu cùng đồng đội. Ông đã chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị từ Tết Mậu Thân 1968 đến mùa Xuân 1975, mà theo ông, “là khoảng thời gian oanh liệt, đáng nhớ nhất của cuộc đời”.
Nhập ngũ năm 1965, chiến đấu trên các chiến trường thuộc Quân khu IV và ở Lào, từ tháng 2/1968 ông được điều động theo đơn vị về Quảng Trị. Khoảng thời gian 5 năm (1968-1973) ở đây, người lính Nguyễn Huy Hiệu đã từng bước trưởng thành từ cấp tiểu đội trưởng lên đến cấp trung đoàn phó. Ngày 20/12/1973 ông được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) khi mới ở độ tuổi 26.
“Trong cuộc đời binh nghiệp của tôi đã được vinh dự tham gia bốn chiến dịch lớn, đó là Mậu Thân 1968, Chiến dịch đường 9 – Nam Lào 1971, Chiến dịch 1972 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nhớ lại. Riêng với mảnh đất Bình Trị Thiên khói lửa, đó là nơi ông đã cùng đồng đội trải qua những năm tháng chiến đấu kiên cường, gắn với hy sinh, xương máu của biết bao đồng đội. Thượng tướng nhớ lại, hôm nhận danh hiệu anh hùng LLVTND khi mới 26 tuổi, ông đã khóc rất nhiều vì “nhớ hình ảnh từng đồng đội của mình, biết bao nhiêu cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 27 – mặt trận B5 thân yêu của tôi đã anh dũng ngã xuống và nhờ họ mà tôi mới có được vinh quang này”.
“Năm 1968, khi đó tôi là trung đội trưởng. Sau một trận đánh chúng tôi nhặt được một chiến lợi phẩm là tấm dù 18 múi. Lúc ấy chúng tôi có đúng 18 người, chiếc dù được cắt ra chia cho mỗi người một mũi, khâu tên vào để dùng băng bó khi bị thương, ngụy trang làm chăn đắp khỏi lạnh, tránh muỗi, nếu hy sinh thì lấy tấm dù đó gói thi thể đem chôn. Vậy mà cuối cùng 17/18 người hy sinh chỉ còn lại một mình tôi”, Thượng tướng kể lại trong cuốn hồi ký của mình. Ngay sau khi đất nước thống nhất, điều đầu tiên mà ông nghĩ đến là những đồng đội của mình mãi mãi nằm ở chiến trường và cuộc hành quân đi tìm đồng đội chính là mở đầu cho hành trình tri ân không ngơi nghỉ của vị tướng. Hầu như năm nào cũng vậy, ông và vợ là bác sĩ Lại Thị Xuân cũng vào chiến trường xưa đặc biệt là Quảng Trị, ít nhất một lần.
Ký ức tháng 7
Về Quảng Trị những ngày hè đỏ lửa, hoa phượng thắp rực hồng trong Thành Cổ, chúng tôi – những người trẻ của thế hệ lớn lên sau chiến tranh, không khỏi bùi ngùi trước kho tàng bài học lịch sử khổng lồ ở nơi mà từng ngọn cỏ, cành cây cũng thấm đượm câu chuyện anh hùng.
Thành cổ Quảng Trị trong một thị xã nhỏ chưa đầy ba cây số vuông, nhưng thử thách khốc liệt qua 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972, đã trở thành một chứng tích chiến tranh được ghi chép lại trong lịch sử thế giới. Thành nằm ở phía đông thị xã Quảng Trị, còn gọi là thành Đinh Công Tráng. Thành xây bằng gạch từ năm 1827, phía ngoài có hào rộng 15m bao quanh. Ở đây, dưới thời chính quyền Việt Nam Cộng hòa, có nhà tỉnh trưởng, tòa thị chính, khu cố vấn Mỹ và một số cơ quan quân sự ngụy.
Ngày 13/6/1972, sau khi được Mỹ hứa tăng viện trợ, chính quyền Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu mở cuộc hành quân “Tái chiếm Quảng Trị”, lấy tên là “Lam Sơn 72”. Cuộc chiến đấu chốt giữ thành Quảng Trị thật sự diễn ra gay go, quyết liệt từ ngày 3/7/1972 trở đi. Sư đoàn dù của Mỹ đã ra sức đánh phá các chốt nhỏ lẻ của ta hòng tái chiếm thị xã Quảng Trị.
“Về phía ta, sau khi nắm được ý đồ tập trung lực lượng phản công và tái chiếm tỉnh Quảng Trị của địch, Bộ Tư lệnh chiến dịch một mặt tổ chức lực lượng, điều động các đơn vị đánh địch bảo vệ vùng giải phóng, một mặt thông báo cho Tỉnh ủy và lệnh cho Tỉnh đội Quảng Trị tổ chức các lực lượng vũ trang, các tổ chức quân, dân, chính, Đảng ở địa phương khẩn trương sơ tán dân, chuẩn bị chiến đấu, phối hợp bộ đội chủ lực đánh bại cuộc tiến công lớn của địch nhằm chiếm lại toàn bộ tỉnh Quảng Trị, trong đó có âm mưu chiếm được Thành Cổ và thị xã làm con bài chính trị phục vụ cho Hội nghị Paris.
Ngày 26/7/1972, khoảng 2 giờ sáng, Ban Chỉ huy bảo vệ Thành Cổ nhận được điện của Chính ủy chiến dịch Lê Quang Đạo: “Trong cả ngày và đêm nay, các đơn vị không được để một tên địch nào lọt vào Thành”. Nhận được lệnh trên, ban chỉ huy bảo vệ Thành một mặt họp bàn hạ quyết tâm thực hiện nhiệm vụ, thông báo cho các đài quan sát tăng cường theo dõi mọi hoạt động của địch, mặt khác dự kiến nhiều phương án đánh địch, kể cả tình huống phức tạp nhất vẫn phải chủ động đối phó”(1).
“Cuối tháng 7, những trận mưa liên tục làm cho cả Thành Cổ ngập nước, hầm hào chiến đấu của đơn vị sụt lở. Máu của thương binh trộn bùn đất… Cả đêm 26, rạng sáng 27/7/1972, bên ngoài máy bay B52, pháo binh liên tục dựng những bức tường lửa, nhưng bên trong nội thị và Thành Cổ nhiều lúc yên ắng, quân dù và lính biệt kích luồn lách rình rập cắm cờ. Hầu hết các đơn vị của ta phải tách rời, một nửa giữ chốt trận địa, một nửa bám địch, rà diệt những tên mò mẫm cắm cờ. Cuối cùng, cái đêm ấy đã đi qua, ước muốn “cắm cờ” của địch đã không thành. Khi những nỗ lực cuối cùng để cắm cờ lên Thành Cổ không thực hiện được, sư đoàn dù kiệt sức trước khi rút ra củng cố, địch đã nghĩ ra trò lừa bịp “cắm cờ lên Thành Cổ để chụp ảnh, quay phim”. Chúng chọn bức tường do bom pháo Mỹ đánh đổ nát ở nhà thờ Trầm Lý (cách thị xã 3km) về phía đông, rồi cắm cờ lên đó, lừa bịp dư luận. Chín giờ sáng, khi chiếc trực thăng chở cố vấn Mỹ, chỉ huy sư đoàn dù và các phóng viên đổ xuống sân vận động để sang Trầm Lý, chứng kiến cảnh lính Tiểu đoàn 5 dù trèo lên “tường thành đổ nát” giữa bốn bề mờ mịt khói lửa để quay phim, chụp ảnh thì các tổ đài quan sát của ta đã kịp báo về cho các cụm pháo binh chiến dịch bất ngờ trút đạn, đập tan âm mưu bịp bợm của chúng” (Sách: Một thời Quảng Trị, Nxb. QĐND, 2009).
Quân đội và nhân dân Quảng Trị anh hùng đã vượt qua muôn vàn khó khăn ác liệt, bám trụ kiên cường, chiến đấu với lực lượng sừng sỏ, thiện chiến nhất của quân Ngụy được sự yểm trợ của hỏa lực chưa từng có trong lịch sử chiến tranh Đông Dương. Từ ngày 28/6 đến 16/9/1972, địch đã ném xuống Thành Cổ 328 nghìn tấn bom, đạn. Trung bình mỗi chiến sĩ phải hứng 100 quả bom, 200 quả đạn pháo.
Dù đã đọc nhiều bài viết về những trận đánh, sự tổn thất, hy sinh ở Quảng Trị, chúng tôi vẫn không khỏi khắc khoải trước “một thời đạn bom” của dân tộc. Nay đã 77 tuổi, người lính, vị tướng năm xưa vẫn tràn đầy sung sức khi nhắc về kế hoạch chuyến đi thăm lại chiến trường xưa trong tháng 7 này.
Thành cổ Quảng Trị những ngày này nắng như đổ lửa, xe vẫn từng đoàn đưa du khách tham quan tới nơi đây. Trong dòng người về thăm Thành Cổ, có không ít các đoàn giáo viên, học sinh. Tới Thành Cổ, một bảo tàng chứng tích chiến tranh, mới thấy được lịch sử vẫn ngay trước mắt, cuộc chiến khốc liệt và mất mát như vẫn còn lưu giữ trong mỗi di tích, hiện vật và ký ức con người.
“…Và hoa nữa mỗi lần đua nở
Ngát hương đời cũng từ đất mà thơm…”
(Thơ Phạm Minh Tâm)
Thanh Tâm (Ghi)
(Còn nữa)