* Nỗ lực học tập và phục vụ không ngừng nghỉ của bác sĩ, Thầy thuốc Ưu tú Lại Thị Xuân.
Nhìn chị bây giờ ít ai biết được tuổi thơ khổ cực, chị sinh ngày 17 tháng 7 năm 1950 (1949) tại xóm 5, xã Hải Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định trong gia đình có 4 anh chị em, chị là con út, cha hy sinh khi chị chưa tròn 1 tuổi. Mẹ tần tảo nuôi mấy anh em sống sót qua dịch đói năm 1954. Chính tuổi thơ nghèo khó đã cho chị ý chí chỉ có học tập mới vượt qua được đói nghèo.
Cô bé Xuân nhỏ nhắn ngày nào được tính cần cù, siêng năng, sáng dạ nổi trội hơn bạn bè từ khi học lớp vỡ lòng nhất là môn toán và đến năm thi vào cấp 3 chị đã thi đậu vào trường cấp 3 Hải Hậu niên khoá 1965-1968. Trong lớp chị luôn học tốt các môn học tự nhiên, kỳ thi đại năm học 1967-1968 chị thi đại học đạt điểm cao và được cử đi du học tại đại học Y khoa Ô-đét-xa (Liên Xô).
Vinh dự là học sinh trường cấp 3 huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, là học sinh một tỉnh lẻ được cử đi du học ở nước ngoài, nên trong suốt 7 năm học chị luôn ý thức được rằng phải có kiến thức tốt để về phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Nhiều đêm chị cứ trằn trọc không ngủ được vì lo không nắm chắc bài học nên bật dậy tiếp tục cả đêm xem lại bài vở giữa cái giá lạnh của mùa Đông Liên Xô trước khi lên giảng đường. Chị luôn được các giảng viên Nga và bạn bè các nước yêu quý cô sinh viên Việt Nam nhỏ nhắn, ngoan, cần cù và chịu khó học.
Ra trường về nước chị được phân công công tác về Bệnh viện E Hà Nội, chị rất tâm huyết với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe con người, nên đã có nhiều đóng góp tích cực xây dựng đơn vị hàng năm luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, luôn nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc thuộc lĩnh vực mình phụ trách, được đồng nghiệp và cấp quản lý trực tiếp thừa nhận, được bệnh nhân và nhân dân yêu quý. Phần thưởng cao quý nhất là chị được Nhà nước Phong tặng Danh hiệu: Thầy thuốc Ưu tú.
Tháng 02 năm 2014, nhân chuyến thăm căn cứ Lữ đoàn tàu ngầm 189 (thuộc Căn cứ quân sự Cam Ranh, Khánh Hòa), khi tham quan khu huấn luyện, chuyên gia Nga được nghe giới thiệu chị là vợ của Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu du học 7 năm ở Nga thì các chuyên gia ồ lên thích thú, chị trao đổi với chuyên gia bằng tiếng Nga không cần phiên dịch về chế độ khẩu phần ăn của sĩ quan, chiến sĩ trên tàu thế nào? Chị đã hướng dẫn các chuyên gia Nga biết cách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe khi đang ở môi trường khí hậu nhiệt đới khác biệt xa với khí hậu hàn đới (giá lạnh) Nga. Với sự hiểu biết sâu rộng của chị làm các chuyên gia rất khâm phục và kính trọng.
Giờ tuổi đã 70, chị vẫn đi làm tuần 3 buổi để củng cố chuyên môn, vì lòng yêu nghề và rèn luyện sức khỏe tuổi già.
* Tình yêu vạn dặm
Chị ở xóm 5, anh Hiệu ở xóm 10 xã Hải Long, huyện Hải Hậu. Khi anh gia nhập quân đội thì chị mới lên cấp 3 Hải Hâu, Nam Định, nhưng như Duyên trời định hai người. Năm 1973 cô sinh viên sau 4 năm học ở Ô-đét-xa (Liên Xô) được nghỉ hè về thăm quê, anh từ chiến trường Quảng Trị ra Hà Nội và tranh thủ về thăm nhà. Được sự vun đắp của anh chị em trong gia đình và bạn bè nên chị đã xiêu lòng. Và tình yêu vạn dặm nảy nở từ đó.
Người lính trẻ Nguyễn Huy Hiệu, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đã chinh phục cô sinh viên Y khoa năm thứ 5 đang du học ở Ô-đét-xa (Liên Xô) bằng một bức thư tình đầu tiên, với óc tưởng tượng lãng mạn của một chàng lính trẻ có kèm theo một bức hình chụp anh trong bộ quân phục anh lính giải phóng đội mũ tai bèo. Khi chị nhận được thư, ảnh của anh, chị đã rung động vì thư anh viết với tình cảm rất thật, lại thêm tấm hình một người lính quân giải phóng, thần tượng của các cô gái bấy giờ.
Tình yêu của chị và anh gửi nỗi nhung, yêu thương theo những cánh thư. Thư chị viết cho anh thường không dài, có thể do bận học, nghề nghiệp, tư duy khúc triết, chỉ viết những gì thật sự cần thiết. Còn anh, cứ sau những trận đánh ác liệt được trở về nằm trong hầm chữ A, lại viết thư cho người yêu. Có những bức thư dài tới 20 trang, dồn nén tình cảm người lính, nỗi nhớ nhung, và những suy tư về hiện tại, tương lai. Anh viết kể cho chị về những đêm hành quân trong mịt mùng khói lửa; những ngày ẩn sâu vào lòng đất mẹ để che mắt đối phương, những giờ phút lặng phắc, nín thở chờ trận chiến; những trận chiến đấu quả cảm thiêu cháy đối phương bằng ngọn lửa hờn căm; những niềm vui khi chiến thắng và cả những giọt nước mắt nghẹn ngào, đau thắt khi lặng lẽ tiễn đưa đồng đội về nơi an nghỉ;… bằng nét viết nắn nót từng chữ bút chì bi chiến lợi phẩm Mỹ. Thư gửi đi phải 6 tháng sau mới nhận được thư người yêu ở nước ngoài về đến chiến trường, mỗi bức thư của chị như những vật báu hiếm hoi, nhưng anh không chỉ đọc một mình mà còn để đồng đội đọc chung để nhân lên niềm vui và hạnh phúc.
Chị kết thúc khóa học trở về Tổ quốc cũng là khi anh hoàn thành nhiệm vụ người lính trở về khi đã giải phóng miền Nam, đất nước hoàn toàn thống nhất, anh háo hức với những dự định dang dở là tiếp tục học tập và cống hiến, anh được cử đi học văn hóa ở Lạng Sơn. Cái kết đẹp cho mối tình ngàn dặm là: Anh chị được hai bên gia đình tổ chức đám cưới vào ngày 16 tháng 8 năm 1976 trong sự chung vui của hai họ, bạn bè và đồng đội.
Hai bên nội ngoại, chị luôn là người con, con dâu hiền thảo với cha mẹ; với anh chị luôn là người vợ đảm. Anh chị sinh được 2 người con (một gái, một trai), các cháu ngoan, chăm chỉ học tập, đều học đại học trong nước, học thạc sĩ ở nước ngoài. Các con của anh chị đều đã có gia đình, có dâu hiền, rể thảo và 4 cháu nội ngoại chăm ngoan.
Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu bên cạnh phu nhân
* Người phụ nữ đôn hậu chỗ dựa vững chắc cho Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu rạng danh
Chị Lại Thị Xuân, Bác sĩ, Thầy thuốc Ưu tú, người phu nhân thanh lịch, nhẹ nhàng với nụ cười hiền tỏa sáng, đã trở thành một giá trị riêng của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Viện sỹ, Tiến sỹ Khoa học Quân sự, Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân sau 44 năm hai người chung sống, dù cuộc sống trải qua nhiều thăng trầm cùng đất nước: chiến tranh, thời bao cấp khó khăn, thời kỳ đầu mở cửa kinh tế đầy thách thức, thì anh và chị luôn bên nhau. Anh luôn biết ơn vợ mình đã có công lớn lao, kiên tâm dạy dỗ con theo phong cách nho giáo và khoa học; anh là một sĩ quan quân đội (anh được phong tướng ở tuổi 40, trẻ nhất toàn quân hồi bấy giờ) luôn bận công tác tại đơn vị, hiếm khi có thời gian ở nhà cùng vợ con. Khi con cái trưởng thành, chọn hướng nghề nghiệp, gia đình họp bàn bạc với các thành viên trong gia đình và thống nhất quyết định: con gái theo ý cháu yêu thích chọn, con trai nối gót Cha theo con đường binh nghiệp.
“Đằng sau người đàn ông thành đạt bao giờ cũng có bóng dáng người phụ nữ”. Thật vậy, sự thành công trong sự nghiệp của anh luôn có sự hỗ trợ hết mình và không mệt mỏi từ chị, chị luôn kích lệ, cổ vũ anh trong mọi đam mê học tập, gánh vác mọi việc trong gia đình để anh yên tâm thỏa chí đam mê. Anh đã học tại Học viện quân sự cao cấp khoá đầu tiên, sau đó tiếp tục được Đảng, Nhà nước cử sang Liên Xô đào tạo tại Học viện quân sự Frunze ở Mát-xcơ-va. Hoàn thành xuất sắc chương trình học tập, anh được cử vào các chức vụ: Tháng 10/1994 là Phó Tổng Tham mưu trưởng và năm 1998 được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, 3 nhiệm kỳ là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 8 , 9 ,10 và được phong Hàm Thượng Tướng năm 2003. Với cương vị được phân công anh đã tham mưu cho Quân đội, Đảng, Nhà nước những quyết sách quan trọng trong Khoa học quân sự, Đối ngoại quốc phòng, xây dựng nhà trường quân đội chính quy, là đồng Chủ tịch Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga, phụ trách Khối Công nghiệp quốc phòng và Tổng cục Kỹ thuật. Anh là vị Tướng tài năng về quân sự, có tư duy tầm chiến lược, anh đã nghiên cứu và biên soạn 7 cuốn sách về khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam. Khi là Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn bằng những kinh nghiệm xương máu ở chiến trường, đúc kết trong công tác phòng chống thiên tai, bão lũ “Phương châm 4 tại chỗ” của anh ra đời đã và đang được vận dụng trong các lĩnh vực khác đạt hiệu quả cao, như trong phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam có hiệu quả.
Với công trình khoa học quân sự, cùng những đóng góp xây dựng, củng cố và phát triển tình đoàn kết giữa 2 Quốc gia Nga – Việt, năm 2010 anh đã được Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Liên Bang Nga bầu và trao Bằng Viện sỹ (anh là người Việt Nam đầu tiên được nhận Bằng Viện Sỹ về Nghệ thuật chiến tranh).
Nghỉ hưu (2011), anh vẫn làm việc tại Văn phòng Viện sỹ, tiếp tục nghiên cứu cống hiến cho Khoa học Quân sự, môi trường và nhân đạo, có ý kiến tham mưu trực tiếp với Đảng, Nhà nước và Quân đội để đưa ra những giải pháp tốt nhất.
Anh chị quan niệm: Tình yêu khi tuổi đã lớn là vẫn bên nhau và luôn nghĩ cho nhau, con cháu phương trưởng và có được sức khỏe tốt, được sống thanh thản cho đến cuối cuộc đời.
Giờ chị cũng vẫn cùng anh trong các chuyến đi thăm bạn bè, đồng chí đồng đội, thăm chiến trường xưa tri ân đồng đội, các chuyến đi làm từ thiện, tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường và về quê hương, đến với những kỷ niệm thời ấu thơ, với bà con nhân dân./.
Tháng 4/2020
Nguyễn Thị Thanh Hường