Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, sinh 27/7/1947 tại Hải Hậu (Nam Định), ông vẫn giữ nguyên trong ký ức về miền quê vùng biển có tới hơn 500 nhà thờ và hàng trăm ngôi đền chùa. Tiếng chuông chiều, tiếng sóng biển rì rào, gió mơn man, cánh đồng lúa chín vàng đẹp như bức tranh. Thế rồi một cơn bão đi qua, cánh đồng trở nên xơ xác, biển dữ dội gầm gào, xóa đi kết quả lao động cực nhọc của người dân quê hương và có những ngôi chùa, ngôi nhà thờ đã gục đổ trước bão táp.
Những năm ở chiến trường, những cánh rừng bạt ngàn chở che cho bộ đội, những con suối róc rách hát bản tình ca không bao giờ dứt. Một trận bom Napan, bom phá, bom phát quang, những trận rải chất độc hóa học của Mỹ, cả cánh rừng gục đổ, rừng cháy xác xơ, nham nhở hố bom, suối lở loét đỏ hoẻn,… Hết cánh rừng này đến cánh rừng kia bị bom Mỹ phá hủy, trở thành những đồi trọc, cỏ lau lúp xúp, loang lổ hố bom. Người lính Nguyễn Huy Hiệu nghĩ về một tương lai khi đất nước hòa bình thì những vùng đất này sẽ trở thành vùng đất hoang, bên dưới là bom mìn chưa nổ. Vùng đất này sẽ trở thành vùng đất chết, nhất là nó lại ở khu vực Bình Trị Thiên – nơi có khí hậu nóng, nắng, gió, mưa khắc nghiệt.
Ông thương người dân quê hương, càng thương những vùng quê nghèo miền Trung với củ sắn, củ khoai nuôi dưỡng ông cùng đồng đội trong những năm tháng “gian lao mà anh dũng”. Sau này khi trở thành vị tướng tư lệnh quân đoàn 1, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó trưởng ban phòng chống bão lụt Trung ương và Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, có cơ hội đi thăm quan và học tập ở nhiều nước… lúc nào ông cũng nghĩ về những điều làm tổn hại đến môi trường và luôn nghĩ cách bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, trong thời gian ông giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng – Phó trưởng ban phòng chống bão lụt TW và Phó Chủ tịch thường trực UB quốc gia tìm kiếm cứu nạn, ông đã tích lũy được nhiều kiến thức về môi trường. Tướng Hiệu thống kê được 10 trận siêu bão tồi tệ nhất và cũng là những thảm họa thiên nhiên kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại. Ông hình dung ra đường đi của những cơn bão quái đản nhất, xác định cường độ gió của các cơn bão kỷ lục, chỉ ra thiệt hại nặng nhất do bão gây ra. Ông rút ra những quy luật của bão: gió lớn, triều cường, lốc xoáy để rút ra những kinh nghiệm ứng phó. Ông rút ra bài học về động đất và lũ quét. Đó là sự tích bùn, nước trên núi thành hồ. Vỡ nước, bùn quét phăng tất cả những gì khi nó đi qua trong mỗi trận lũ nước, lũ bùn tàn phá ghê gớm hơn cả bom đạn của kẻ thù. Từ những thực tế mưa bão, lũ lụt, ông đề xuất phương châm 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Huy động sức mạnh của toàn dân. Trận lụt ở Phố Châu (Hà Tĩnh) ông rút ra vấn đề cảnh báo khẩn cấp: phải bảo vệ môi trường. Chiến tranh tàn phá, con người cũng góp phần tàn phá khiến môi trường ngày càng bị hủy hoại nghiêm trọng hơn. Trận lụt khủng khiếp này, hàng nghìn khối gỗ quý giấu trong rừng, lũ lụt đã kéo về phơi bày hết “sự tàn sát” rừng của lâm tặc.
Ông sớm nhờ sự hỗ trợ của các chuyên gia về các giống cây từ các Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn ở địa bàn đóng quân của Đại đoàn đồng bằng để giúp Đại đoàn và dân khu vực đóng quân, có gỗ, nứa làm nhà, rừng được phủ một màu xanh tươi mới, có thực phẩm, có rau xanh rồi vườn sinh vật cảnh, vườn thuốc đông y,… Ông cũng là người nêu lên ý tưởng cuộc thi “Hoa trái đồng bằng” trong các đơn vị thuộc Đại đoàn đồng bằng. Khi làm Tư lệnh quân đoàn 1, thực hiện việc làm đường qua rừng Cúc Phương, ông đã đặt mối quan hệ kết nghĩa để quân đội có thể hỗ trợ giúp đỡ và phối hợp Ban quản lý khu bảo tồn rừng quốc gia Cúc Phương cùng bảo vệ khu rừng nguyên sinh đặc dụng này. Ông phát động chiến dịch “Màu ni xanh đồng bằng”, trồng 600 ha rừng ở Bỉm Sơn (Thanh Hóa).
Vấn đề quân đội đối với việc khắc phục hậu quả sau chiến tranh, rà phá bom mìn, tẩy rửa chất độc hóa học,… là nỗi niềm luôn đau đáu trong lòng. Rất nhiều lần ông cùng các phái đoàn đấu tranh để Mỹ có trách nhiệm nhân đạo và cùng nhau khắc phục về hậu quả chiến tranh đã gây ra cho Việt Nam.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã đi qua 67 nước, đi đâu ông cũng ghi chép, nhằm tìm ra bài học cho sự hiểu biết để phụng sự đất nước. Chuyến đi thăm Ấn Độ ông được bạn tặng cây đa và cây đề, ông mang về trồng tại Quảng Trị – nơi cả cuộc đời “chiến đấu” của ông gắn bó với ước muốn hồi sinh màu xanh ở vùng đất bị bom đạn cày xới này. Tới Nhật Bản ông học được cách xử lý rác thải; bài học của Nga xử lý sau thảm họa Chernobyl; quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở Malaysia; xây dựng nhà máy điện chạy bằng sức diều ở Scotland; học ở Mỹ về việc biến nước thải thành dầu thô sinh học, EU hướng tới sử dụng năng lượng sạch và tiết kiệm năng lượng; học cả Campuchia về cải cách hệ thống quản lý môi trường.
Hiện nay, tình trạng chặt phá rừng, đất trống đồi trọc, với tình trạng ô nhiễm môi trường và càng lúc càng nặng nề của hậu quả thiên tai. Kêu gọi tất cả mọi người hãy bảo vệ cây xanh, bảo vệ sức khỏe và tương lai của Trái đất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm xói mòn đất, giảm nhiệt độ nóng lên của trái đất và giúp cân bằng hệ sinh học. Trồng cây tạo ra cơ hội kinh tế, cải thiện sức khỏe con người khi được sống trong môi trường trong lành sẽ khiến sức khỏe trở nên tốt hơn.
“Mùa xuân là Tết trồng cây,
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.
Mùa xuân đang tới, chúng ta thực hiện tốt lời Bác khuyên mỗi người nên trồng một cây xanh để góp phần làm cho quê hương, đất nước ngày càng tươi đẹp.
Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu hiện làm chuyên gia tư vấn Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam. Đến giờ, khi ông đi thăm các địa phương cũng trồng cây lưu niệm, đó như lời nhắc nhở các thế hệ sau hãy gữi gìn, trồng phủ xanh để bảo vệ trái đất.
Thanh Hường (ghi chép)