Grab lỗ ròng 3,6 tỷ USD trong năm 2021 khi tăng mạnh ngân sách thưởng, khuyến mãi để giữ chân tài xế, khách hàng.
Lỗ ròng 3,6 tỷ USD
Grab vừa công bố số liệu kết quả tài chính năm 2021. Đây là lần đầu tiên siêu ứng dụng kỳ lân của Đông Nam Á công khai số liệu kinh doanh sau khi trở thành doanh nghiệp niêm yết với sự kiện lên sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ) vào tháng 12/2021.
Năm ngoái, tổng giá trị giao dịch trên nền tảng của Grab (GMV) đạt giá trị 16 tỷ USD, tăng 29% so với 2020. Doanh thu của siêu ứng dụng này đạt 675 triệu USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng giống nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ khác, Grab vẫn kinh doanh dưới giá vốn. Thêm vào đó, doanh nghiệp này còn chi hơn 1,1 tỷ USD cho các hoạt động bán hàng, marketing, quản lý doanh nghiệp, nghiên cứu phát triển (R&D). Do đó, Grab ghi nhận khoản lỗ thuần 1,6 tỷ USD từ hoạt động kinh doanh.
Cộng với khoản chi phí tài chính khổng lồ gần 2 tỷ USD trong năm qua, Grab lỗ ròng 3,6 tỷ USD trong năm 2021. Năm 2020, siêu ứng dụng này đã lỗ sau thuế 2,7 tỷ USD.
Dù vậy, đồng sáng lập, CEO Grab Anthony Tan nhấn mạnh biên lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA) điều chỉnh đã cải thiện. EBITDA điều chỉnh của Grab năm 2021 vẫn âm 842 triệu USD. Tuy nhiên, tỷ suất EBITDA trên GMV từ mức âm 6% trong năm 2020 đã giảm còn âm 5%.
Kết thúc năm 2021, tổng tài sản của Grab đạt hơn 11 tỷ USD, tăng gần 6 tỷ USD so với năm trước đó. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này đạt hơn 8 tỷ USD, nợ phải trả chiếm hơn 3 tỷ USD.
Chi hơn 1 tỷ USD giảm giá, khuyến mãi kéo khách hàng
Grab công bố đạt 24,1 triệu người dùng sử dụng ứng dụng thường xuyên hàng tháng vào năm ngoái, giảm nhẹ so với 2020 do nhu cầu di chuyển sụt giảm trong thời kỳ nhiều nước Đông Nam Á giãn cách xã hội. Tuy nhiên, giá trị giao dịch bình quân của mỗi khách hàng với Grab trong cả năm qua đạt 666 USD, tăng 31% so với năm 2020.
Siêu ứng dụng này cũng cho biết hiện đang dẫn đầu ở cả hai lĩnh vực gọi xe (71% thị phần) và giao đồ ăn (51% thị phần) tại Đông Nam Á với khoảng cách lần lượt gấp 4 lần và 2 lần so với đối thủ đứng thứ hai, theo số liệu của hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor.
Tuy nhiên, để đạt được những kết quả trên, cái giá Grab bỏ ra cũng không hề nhỏ. Công ty cho biết năm ngoái đã chi 717 triệu USD cho các khoản thưởng cho đối tác (tài xế, cửa hàng), tăng 15% so với 2020. Đặc biệt, số tiền Grab dùng để giảm giá, khuyến mãi cho khách hàng lên tới hơn 1 tỷ USD, tăng vọt 73% so với 2020.
Trong khi doanh thu thực tế của Grab đạt tỷ lệ trên dưới 20% tổng GMV (khoảng 80% còn lại thuộc về đối tác), các chi phí thưởng cho tài xế, giảm giá cho khách hàng đã chiếm đến hơn 10% GMV.
Đi vào chi tiết, hơn 3/4 tổng số tiền khuyến mãi cho khách hàng lẫn các khoản thưởng cho đối tác được Grab rót vào các dịch vụ giao nhận, bao gồm giao đồ ăn, đi chợ hộ. Trong khi đó, các dịch vụ gọi xe chiếm chưa đến 10% tổng ngân sách khuyến mãi, giảm giá cho người dùng.
Thực tế này đến từ việc mảng gọi xe của Grab đã có lãi EBITDA. Ở chiều ngược lại, biên EBITDA trên GMV của các dịch vụ giao nhận thể hiện trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp này vẫn là số âm.
Hiện tại, trong cơ cấu doanh thu của Grab, mảng gọi xe vẫn chiếm tỷ trọng áp đảo gần 70%. Tuy nhiên, dịch vụ lõi đầu tiên này chỉ tăng trưởng 4% trong năm qua. Trong khi đó, mảng dịch vụ giao nhận chỉ chiếm hơn 20% tổng doanh thu của Grab nhưng tăng trưởng gần 30 lần.
Ông Anthony Tan cho biết trong năm nay Grab sẽ tiếp tục theo đuổi các cơ hội lớn từ mảng dịch vụ giao nhận, đồng thời sẵn sàng đưa ngân hàng số hoạt động tại Singapore. Năm nay, công ty dự kiến GMV sẽ tăng trưởng 30-35% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, giới đầu tư dường như không bị thuyết phục bởi các chỉ số tài chính của Grab. Ngay sau khi công bố kết quả kinh doanh năm 2021, giá cổ phiếu Grab trên sàn Nasdaq giảm hơn 35%. Vốn hóa doanh nghiệp theo đó sụt giảm hơn 7 tỷ USD còn 12,5 tỷ USD, thấp hơn nhiều mức định giá 40 tỷ USD trước khi niêm yết trên Nasdaq.
Theo Dân Trí