Đối thoại Chuyển dịch Năng lượng Khu vực 2023: Phát triển ngành năng lượng xanh và bền vững hơn

Đây là một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm trong “Đối thoại Chuyển dịch Năng lượng Khu vực 2023: Đảm bảo quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng và bình đẳng” được tổ chức vào tháng 7 vừa qua tại Manila, Philippines.  

Theo thông tin từ Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ, tại sự kiện này, đại diện các cơ quan chính phủ đến từ Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Indonesia đã cùng chia sẻ các chiến lược đổi mới sáng tạo nhằm phát triển ngành năng lượng xanh hơn và bền vững hơn.

“Điểm chung mà các nước trong khu vực đang gặp phải đó là các thách thức về tìm kiếm nguồn lực tài chính; hoàn thiện các chính sách thúc đẩy việc tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo và mở rộng các nhà máy năng lượng mặt trời và nhà máy điện gió; tăng cường sử dụng các nguồn khí đốt và năng lượng tái tạo, giảm sử dụng các nhà máy điện than trên quy mô lớn. Vì vậy, cần có các chiến lược củng cố an ninh năng lượng và cải thiện đấu nối điện quốc gia để đạt được mục tiêu trên”, ông Đỗ Việt Phương, Cục Điều tiết Điện lực (ERAV), Bộ Công Thương nhận định về những thách thức mà ngành năng lượng của Việt Nam và các nước khác trong khu vực Đông Nam Á đang gặp phải.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Hoàng Nam, Phòng Quan hệ Quốc tế, Viện Năng lượng cho rằng các quốc gia trong khu vực đều phải đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện chuyển dịch năng lượng một cách công bằng như việc huy động nguồn kinh phí, chuẩn bị nguồn nhân lực, cơ chế, chính sách, khả năng tiếp cận công nghệ có xét đến các ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, kĩ thuật, kinh tế – xã hội nhằm đảm bảo tính “công bằng” xuyên suốt quá trình thực hiện.

Phiên thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm đã mở ra những giải pháp, tháo gỡ nút thắt cho những vấn đề mà các đại diện phía Việt Nam gặp phải. Đại diện Cục Điều tiết Điện lực (ERAV) cho hay, để thực hiện các chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, các chính sách hỗ trợ về đầu tư thông qua cơ chế khuyến khích về thuế, hỗ  trợ  vay  vốn nhập công nghệ năng lượng tái tạo, phát  triển nguồn nhân lực, cung cấp thông tin, tiêu chuẩn hóa sản phẩm, nghiên cứu phát triển và xây dựng thể chế là điều rất quan trọng. Để làm được điều này, cần phải xác định vai trò của các bộ ngành trong việc thực hiện các chính sách, chương trình hành động cũng rất cần thiết.

Tại Philippines, những thách thức của quốc gia này trong quá trình chuyển dịch năng lượng là hệ sinh thái tài chính xanh chưa được tối đa hóa. Philippines gần đây đã thực hiện các bước quan trọng để phát triển hệ thống tài chính xanh trong nước. Để hỗ trợ thêm cho ngành năng lượng, Bộ Năng lượng (DOE) của Philippines đã đặt ra các Mục tiêu Kế hoạch Năng lượng như: Tăng cường sản xuất năng lượng trong nước; Đặt công suất bổ sung; Đẩy mạnh và xúc tiến đầu tư; Thúc đẩy phúc lợi người tiêu dùng, tăng cường quan hệ đối tác trong nước và quốc tế.

Đối với Thái Lan, đất nước này đang trải qua quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, tốc độ, độ sâu và hình dạng của quá trình chuyển đổi vẫn chưa chắc chắn. Nguyên nhân của sự không chắc chắn này một phần là do Thái Lan phải cân bằng các vấn đề về an ninh năng lượng và phát triển kinh tế, với biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường. Tại phiên thảo luận trong hội nghị này, đại diện phía Thái Lan chia sẻ một số biện pháp hỗ trợ nền kinh tế, như tăng giới hạn khấu trừ thuế, hoãn thuế, giảm giá tiền điện và nước, và giảm tỷ lệ đóng góp vào quỹ an sinh xã hội cho người sử dụng lao động và người lao động.

Sau những đối thoại, chia sẻ về các thách thức, cơ hội của các nước trong khu vực, hội nghị đã đưa ra những giải pháp chung để tháo gỡ các nút thắt cho các vấn đề như: Tăng cường kết nối năng lượng và hội nhập thị trường trong ASEAN để đảm bảo được an ninh năng lượng, tăng khả năng tiếp cận điện, khả năng chi trả và tính bền vững cho tất cả mọi người; Đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng và tăng cường khả năng phục hồi năng lượng thông qua hợp tác và đổi mới lớn hơn; Hợp tác giữa các quốc gia, hỗ trợ mạnh mẽ giữa các chính phủ, ý chí chính trị và tạo điều kiện cho các thể chế từ mỗi quốc gia là những yếu tố then chốt và chính là động lực của sáng kiến kết nối; Thực hiện các cải cách về chi phí để giảm chi phí điện; Tăng cường cung cấp năng lượng bằng cách phối hợp đầu tư vào sản xuất, truyền tải và phân phối; Cung cấp một môi trường pháp lý thuận lợi cho thị trường để  đầu tư, sản xuất hướng đến năng lượng sạch.

Đối thoại Chuyển dịch Năng lượng Khu vực 2023 (RETD 2023) là minh chứng cho cam kết của các nước Đông Nam Á đối với các giải pháp năng lượng bền vững và an toàn. Trong bối cảnh khu vực này tiếp tục đối mặt với những thách thức lớn về môi trường và nhu cầu năng lượng liên tục tăng lên, sự kiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế và đổi mới chính sách. Bằng cách thúc đẩy sự hợp tác giữa các chính phủ, doanh nghiệp và các bên liên quan, Đông Nam Á có thể đẩy nhanh quá trình chuyển dịch hướng tới một tương lai năng lượng xanh hơn và bền vững hơn, góp phần đáng kể vào nỗ lực toàn cầu trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu. RETD 2023 đã tạo ra một bước đệm cho các sáng kiến và quan hệ đối tác lâu dài nhằm định hình bức tranh năng lượng của Đông Nam Á trong những năm tới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *