Ngày 24/8, UBND tỉnh Điện Biên tổ chức Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện các dự án phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Vũ Hồng Sơn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Điện Biên, đến hết tháng 7/2023, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 18 nhà máy thủy điện đang vận hành khai thác, tổng công suất lắp máy 263,3MW, sản lượng điện sản xuất trung bình đạt trên 700 triệu kWh/năm.
Toàn tỉnh có 6 dự án thủy điện đang thi công xây dựng, tổng công suất lắp máy 76,5MW; trong đó có 2 dự án dự kiến hoàn thành xây dựng đưa vào vận hành khai thác trong năm 2023. Tỉnh có 18 dự án thủy điện được UBND tỉnh ban hành quyết định chủ trương đầu tư (chưa thi công xây dựng, chậm tiến độ), tổng công suất lắp máy 20,9MW; 16 dự án thủy điện đã được UBND tỉnh cho chủ trương nghiên cứu khảo sát, lập dự án đầu tư với tổng công suất lắp máy 111,9MW.
Đối với các dự án điện mặt trời, trên địa bàn tỉnh hiện có các dự án với quy mô công suất nhỏ hơn 1MW, chủ yếu lắp đặt trên mái nhà của các hộ dân, nhà xưởng. Hiện tại, UBND tỉnh Điện Biên cũng đã chấp thuận cho phép nhà đầu tư thực hiện nghiên cứu, khảo sát đề xuất bổ sung quy hoạch 13 dự án điện gió với tổng công suất lắp máy dự kiến 2.200MW. Toàn tỉnh cũng đã có các nhà đầu tư thực hiện nghiên cứu khảo sát 4 dự án điện sinh khối, tổng công suất dự kiến 100MW và 1 dự án điện rác, công suất dự kiến 3MW.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Điện Biên, những năm qua, việc đầu tư phát triển các dự án nguồn điện (dự án năng lượng tái tạo) và lưới điện trên địa bàn tỉnh được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và thu hút các nhà đầu tư về đầu tư tại tỉnh. Các dự án được tỉnh tập trung triển khai thực hiện, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư.
Các dự án thủy điện đi vào vận hành khai thác trên địa bàn tỉnh đều được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đánh giá tác động môi trường, thẩm định cấp giấy phép. Các dự án thủy điện đều được triển khai đầu tư xây dựng theo hình thức xây dựng – sở hữu – vận hành; nguồn vốn đầu tư xây dựng các dự án thủy điện là nguồn vốn tự có của doanh nghiệp và các nguồn vốn tín dụng khác của nhà đầu tư.
Hiện tất cả các dự án thủy điện, điện gió, điện sinh khối, điện rác đã được rà soát, cập nhật trong dự thảo quy hoạch tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Việc đầu tư các dự án nguồn năng lượng tái tạo đã tạo việc làm cho lao động địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, làm tăng nguồn thu ngân sách địa phương, tăng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Hàng năm, các dự án đã sản xuất sản lượng điện năng đáng kể hòa vào lưới điện quốc gia, tăng cường nguồn điện trong cả nước cũng như của tỉnh, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai khảo sát, lập dự án đầu tư và thực hiện các nội dung công việc về đầu tư xây dựng các nhà máy thủy điện, lưới điện của các nhà đầu tư còn chậm, kéo dài, các dự án đều chậm tiến độ. Quy hoạch đầu tư xây dựng phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải thiếu đồng bộ; các thủ tục pháp lý liên quan giải phóng mặt bằng, bồi thường còn nhiều trở ngại…
Tại hội nghị, đại diện các nhà đầu tư cho rằng, Điện Biên là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để đầu tư các dự án về phát triển năng lượng. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn gặp nhiều khó khăn về vấn đề thủ tục hành chính, các thủ tục pháp lý liên quan công tác giải phóng mặt bằng và khó khăn về hạ tầng lưới điện.
Để tháo gỡ những khó khăn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Phạm Đức Toàn cho biết, UBND tỉnh Điện Biên đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các địa phương đôn đốc hướng dẫn chủ đầu tư các dự án trong tổ chức triển khai thực hiện các vấn đề về đền bù giải phóng mặt bằng, đăng ký kế hoạch sử dụng đất, đánh giá tác động về môi trường; các sở, ngành cũng như các địa phương cần giải quyết nhanh vấn đề về thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư thực hiện dự án.
Lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị các chủ đầu tư các dự án đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng đảm bảo hoàn thành tiến độ dự án theo quyết định chủ trương đầu tư, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư đã được UBND tỉnh phê duyệt; các nhà đầu tư chủ động đôn đốc các nhà máy duy trì vận hành khai thác ổn định; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng đảm bảo thời gian, tiến độ xây dựng.
UBND tỉnh Điện Biên giao Sở Công Thương kiểm tra, đôn đốc các hoạt động của nhà máy thủy điện, đảm bảo duy trì vận hành khai thác an toàn, ổn định với nhóm dự án đang vận hành khai thác; đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng đảm bảo tiến độ hoàn thành đối với các dự án đang thi công xây dựng, nhất là các dự án đưa vào vận hành khai thác trong năm 2023 theo đúng kế hoạch.
Với các dự án chậm tiến độ, đã hết thời gian thực hiện dự án tiến hành rà soát, đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục pháp lý về đầu tư xây dựng, hoàn thiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư để trình cấp có thẩm quyền thẩm định; tiếp tục rà soát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án được UBND tỉnh cho chủ trương nghiên cứu, khảo sát lập dự án đầu tư.