(Petronews) – Người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, đối với phần lớn nền kinh tế trên toàn cầu, 2023 sẽ là một năm khó khăn khi các động lực tăng trưởng chính của kinh tế toàn cầu suy giảm.
Phát biểu vào ngày đầu năm mới 2023 trên đài CBS (Mỹ), bà Kristalina Georgieva – Tổng giám đốc IMF – khẳng định, năm mới 2023 này sẽ khó khăn hơn những năm trước, bởi tăng trưởng của 3 nền kinh tế lớn là Mỹ, EU và Trung Quốc đều đang đồng loạt giảm tốc.
Hồi tháng 10, IMF đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 do cuộc chiến ở Ukraine kéo dài cũng như áp lực lạm phát buộc các ngân hàng trung ương trên toàn cầu phải tăng lãi suất kìm chế giá cả.
Trong khi đó, cùng thời điểm trên Trung Quốc đã bắt đầu nới lỏng một số hạn chế chống dịch Covid-19 và mở cửa trở lại nền kinh tế, dù vậy người tiêu dùng vẫn cảnh giác khi các ca lây nhiễm gia tăng. Trong bài phát biểu đầu năm mới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi người dân nỗ lực và đoàn kết hơn nữa khi Trung Quốc bước vào một “giai đoạn mới”.
“Lần đầu tiên trong 40 năm, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2022 đã bằng hoặc thấp hơn tốc độ tăng trưởng toàn cầu”, bà Georgieva nói.
Theo bà, các ca lây nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc dự báo sẽ gia tăng trong những tháng tới, gây ảnh hưởng nhiều hơn đến nền kinh tế nước này trong năm nay và kéo tụt tăng trưởng của khu vực cũng như toàn cầu.
“Tôi đã đến Trung Quốc vào tuần trước, cả thành phố sạch bóng Covid. Nhưng điều đó sẽ không kéo dài khi người dân bắt đầu đi du lịch”, bà nói và cho rằng trong vài tháng tới, Trung Quốc sẽ gặp khó khăn hơn và điều đó sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế nước này cũng như khu vực và toàn cầu.
Trong báo cáo hồi tháng 10, IMF cũng dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc ở mức 3,2% trong năm 2022, ngang với con số dự báo tăng trưởng toàn cầu của quỹ này. Thời điểm đó, IMF cũng nhận định tăng trưởng trong năm 2023 của kinh tế Trung Quốc sẽ ở mức 4,4% khi hoạt động kinh tế trên toàn cầu chậm hơn.
Với nền kinh tế Mỹ, bà Georgieva cho rằng, nền kinh tế số 1 thế giới là “nước kiên cường nhất” và có thể tránh được suy thoái. “Chúng tôi nhận thấy thị trường lao động vẫn đang khá mạnh”, bà nói.
Nhưng điều đó cũng khiến nền kinh tế này tiềm ẩn rủi ro, bởi vì nó có thể khiến Fed kiên trì với cuộc chiến đưa lạm phát về mức mục tiêu từ mức cao nhất trong 40 năm đạt được vào năm ngoái. Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ đã có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi lập đỉnh, song vẫn cao gấp 3 lần so với mục tiêu 2% của Fed.
Người đứng đầu IMF cho rằng, đây là một tình huống khó xử, bởi nếu thị trường lao động vẫn mạnh, Fed có thể tiếp tục thắt chặt chính sách trong một thời gian nữa để hạ nhiệt lạm phát.
Năm ngoái, trong đợt thắt chặt chính sách mạnh mẽ nhất kể từ đầu những năm 1980, Fed đã nâng lãi suất chuẩn từ mức zero vào tháng 3 lên mức 4,25-4,5% hiện nay. Tháng trước, các quan chức Fed dự báo mức lãi suất có thể lên 5% trong năm nay, mức chưa từng thấy kể từ năm 2007.