Sự vô ý thức, vô trách nhiệm đang trực tiếp hoặc gián tiếp tàn phá thiên nhiên và môi trường

Vấn đề tài nguyên và môi trường thường là chủ đề “nóng” nhất trong các cuộc hội thảo khoa học toàn cầu. Phóng viên Báo Người cao tuổi phỏng vấn Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ KHQS Nguyễn Huy Hiệu, cựu Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Anh hùng LLVT nhân dân về nội dung trên…

PV: – Thưa Thượng tướng, mặc dù đã được nghỉ hưu, song điều gì khiến ông lúc nào cũng trăn trở, day dứt về thực trạng tài nguyên, môi trường của nước ta hiện nay?

Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: – Mặc dù được nghỉ hưu, song chưa lúc nào tôi nghĩ mình được “quyền” nghỉ ngơi. Tôi cảm thấy đau xót phải chứng kiến bao thảm họa khủng khiếp do thiên nhiên: Hạn hán, bão lụt gây thiệt hại vô cùng lớn về người và tài sản, tài nguyên của đất nước. Nhiều đêm giật mình tỉnh giấc, tôi nghĩ phải làm gì, làm thế nào cho tài nguyên đất nước không bị cạn kiệt, môi trường không bị ô nhiễm, giữ nguyên được vẻ đẹp, để cho bầu không khí trong lành, khi trái đất chưa bị tác động của chính con người hằng ngày “hun nóng”. Chính nghèo đói và môi trường luôn có quan hệ tương tác lẫn nhau. Vì thế, tài nguyên và môi trường thường là chủ đề “nóng” nhất trong các cuộc hội thảo khoa học toàn cầu.

Cuộc sống và thiên nhiên, môi trường luôn gắn kết hòa hợp với nhau. Môi trường sống là yếu tố quan trọng bảo đảm sức khỏe cho con người. Nếu chúng ta không xác định được những yếu tố bão lụt, hạn hán là “loại giặc” thì nó không những chỉ tàn phá môi trường mà còn đe dọa nghiêm trọng tính mạng, tài sản của nhân dân, gây nên những thảm họa khủng khiếp. Vấn đề quan trọng là phải chú trọng phòng chống bão lụt, phòng hộ đê, chủ động xây dựng, bảo vệ hệ thống đê vững chắc, kênh mương được khơi thông thoáng… Trong hoàn cảnh chiến tranh thiên tai đi liền với địch họa, đó là sự “phá hoại kép” gây ra hậu quả hết sức nghiêm trọng. Những khi như thế, người cao tuổi lại được “trưng dụng” đem những kinh nghiệm quý báu phổ biến, hỗ trợ chính quyền trong việc phòng chống bão lũ; còn các cháu thanh niên trẻ, khỏe lại tiên phong trong việc bảo vệ đê điều, cứu trợ giúp đỡ đồng bào những vùng bị thiên tai lũ lụt…

PV: – Thượng tướng có thể cho biết nguyên nhân nào dẫn đến biến đổi khí hậu toàn cầu, Việt Nam có bị ảnh hưởng bởi sự biến đổi đó?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: – Biến đổi khí hậu của trái đất có nhiều nguyên nhân, nhưng chính do tác động con người ảnh hưởng đến môi trường bởi sự khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên bừa bãi… Trước những thách thức, tác động của biến đổi khí hậu, sự không đồng bộ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường ở nước ta vẫn tiếp tục bị xuống cấp, nhiều nơi đất bị xói mòn, thoái hóa, chất lượng các nguồn nước nhiễm độc do các chất thải công nghiệp từ nhiều nhà máy, xí nghiệp thải ra lưu vực các con sông mà chưa qua xử lí, các loại phân bón hóa học và thuốc trừ sâu thải ra môi trường ngấm vào ao hồ, sông, suối làm tôm, cá chết vì nước nhiễm độc, con người ăn phải cũng bị nhiễm độc. Không những vậy, các chất đó ngấm vào lòng đất gây ô nhiễm trầm trọng nguồn nước nhiều nơi không còn khả năng sử dụng, hủy hoại trực tiếp đến đời sống sức khỏe của con người, sinh vật trong khu vực. Sự ô nhiễm khí quyển đang có nhiều biến đổi rõ rệt ảnh hưởng xấu môi sinh. Hằng năm, con người khai thác và sử dụng hàng tỉ tấn than đá, dầu mỏ, khí đốt, khói từ xe hơi, xe gắn máy… thải vào môi trường gây nhiều bệnh cho con người, nó tạo ra các cơn mưa a-xít làm hủy diệt nhiều khu rừng và hiệu ứng nhà kính, hiện tượng lỗ hổng tầng ô-zôn (CFC) là “kẻ phá hoại” chính của tầng ô-zôn… Mọi sự ô nhiễm có thể dẫn đến phá hủy cơ thể sống, trong đó có con người; chẳng hạn gây ra bệnh đường hô hấp, bệnh tim mạch, đau tức ngực, ung thư… nhiều trường hợp gây chết người do ăn uống phải thực phẩm nhiễm độc, nước bẩn chưa được xử lí.

PV: – Hình ảnh về tài nguyên – môi trường của đất nước hình như ngày càng trở nên tồi tệ. Trong đó, do sự vô ý thức, vô trách nhiệm của chính con người trực tiếp hoặc gián tiếp gây nên. Theo Thượng tướng cần phải có biện pháp gì làm cho môi trường không bị ảnh hưởng và tài nguyên không bị khai thác triệt để như hiện nay?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: – Bên cạnh nguyên nhân khách quan thì chủ quan vẫn là chính yếu. Những người nghèo ở phía Bắc hay Tây Nguyên, vì không có đất canh tác nên phá rừng để canh tác du canh, du cư không bền vững. Hủy hoại tài nguyên vẫn không thoát được nghèo. Người nghèo ở vùng ven biển, sống chủ yếu đánh bắt ven bờ, sử dụng những phương tiện đánh bắt hủy diệt gây cạn kiệt nguồn thủy hải sản, làm cho họ ngày càng nghèo thêm. Người nghèo ở khu vực đô thị, do không có điều kiện phải sống ở những “ổ chuột” vứt rác bừa bãi… làm cho môi trường ô nhiễm nặng thêm. Từ đó, đặt ra các điều kiện thiết yếu làm tiền đề, tạo thế và lực cho công tác bảo vệ môi trường trong xã hội được nâng cao. Công tác bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học phải được tăng cường, nếu chúng ta vẫn thờ ơ thì môi trường nước ta vẫn tiếp tục xuống cấp nhanh, có lúc đã đến mức báo động. Đất đai bị xói mòn, sa mạc hóa, chất lượng nguồn nước bị suy giảm, không khí ở nhiều đô thị, khu dân cư bị ô nhiễm nặng. Tài nguyên thiên nhiên bị con người khai thác một cách vô ý thức, vô trách nhiệm, hàng vạn héc-ta rừng bị con người chặt phá (chủ yếu là khai thác gỗ quý), hàng trăm tấn nước thải từ các khu công nghiệp hằng ngày đổ ra các dòng sông; rừng bị chặt phá nên mùa mưa bão đến, gây lũ lớn, nước biển dâng gây triều cường, mưa đá. Lũ lụt, mưa bão, đặc biệt nguy hiểm cường độ ngày càng lớn, diễn biến ngày càng phức tạp. Hằng năm chúng ta phải hứng chịu hàng chục cơn bão. Mưa lũ làm chết hàng trăm người, hàng vạn ngôi nhà bị lũ cuốn trôi… gây thiệt hại hàng chục nghìn tỉ đồng. Thành quả lao động và phát triển của nhiều địa phương trong nhiều năm chỉ sau một đợt thiên tai có thể mất trắng. Nghèo đói khiến người ta không tiếp xúc được với công nghệ thông tin để bảo vệ môi trường. Ở các vùng sâu vùng xa, cơ sở hạ tầng cực kì yếu kém, nhà cửa lụp xụp tạm bợ, cuộc sống kinh tế cực kì khó khăn, thông tin hạn chế, họ sống trong các lán trại ẩm thấp tuềnh toàng, không có nước sạch. Họ không có điều kiện để sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường và ngày nay ngay cả các quốc gia phát triển kinh tế cũng vậy. Do đó, phải có cách phòng ngừa (phòng ngừa bão lũ như phòng bệnh), nếu phòng ngừa tốt, giáo dục tốt cho mọi người dân biết về thảm họa môi trường và cần phải đưa vào nhà trường để giáo dục học sinh hiểu biết về môi trường và có ý thức bảo vệ môi trường ngay từ lúc nhỏ. Nhà nước phải có kế hoạch “chiến lược bảo vệ môi trường”. Nếu không có giải pháp cấp thiết, thỏa đáng sẽ là lực cản đối với quá trình phát triển kinh tế – xã hội, đe dọa nghiêm trọng sự phát triển bền vững của đất nước.

Muốn phát triển bền vững tài nguyên, môi trường của đất nước, cần phải có sự kết hợp hài hòa: Phát triển về kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường. Phải xem môi trường là nội dung quan trọng, không thể tách rời trong quá trình phát triển kinh tế và không thể xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường. Đó là nghĩa vụ của mọi tổ chức, mọi gia đình, của mọi người, là biểu hiện nếp sống văn hóa, đạo đức, là tiêu chí của xã hội văn minh. Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường phải được thực hiện thường xuyên, lâu dài và đòi hỏi có sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo và quản lí thống nhất của Chính phủ sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Trân trọng cảm ơn Thượng tướng!

Thanh Hương (Thực hiện)

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *