Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu từng giảng dạy tại Học viện trung cấp chỉ huy (nay là Học viện lục quân Đà Lạt)

Kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2023) nghe Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu kể về quãng thời gian năm 1972-1975.

Tháng 7/1972, Trung đoàn Phó Nguyễn Huy Hiệu, với dáng người nhỏ bé (chỉ 47kg), nhanh nhẹn, nhưng trong chiến đấu đã đạt được nhiều thành tích nên được điều về Hà Nội tham dự một khoá học bổ túc 6 tháng dành cho cán bộ trung đoàn của Bộ Quốc phòng. Lớp học 60 học viên, quy tụ toàn cán bộ trung đoàn giỏi từ các chiến trường Bắc-Trung-Nam về học chiến thuật chiến đấu.

Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu

Những người thầy nổi tiếng như tướng Lê Trọng Tấn, tướng Lê Quang Đạo, Cao Văn Khánh, Lê Tử Đồng, Hoàng Minh Thi, đã giảng dạy, truyền đạt kiến thức đang áp dụng ở mặt trận B5, anh còn được học hỏi, học tập, huấn luyện và nghe chia sẻ kinh nghiệm đánh giặc thực tế chiến đấu của đồng đội từ khắp các chiến trường, ở các loại địa hình tại địa bàn chiến đấu. Trong những buổi học mang tính chất hội thảo còn giúp cho anh lĩnh hội được rất nhiều kinh nghiệm quý và đa dạng từ các vị chỉ huy đồng nghiệp của mình, làm hành trang chỉ huy chiến đấu của anh thêm phong phú, hiệu quả cao, và tích lũy thêm kiến thức. Những kinh nghiệm thực tế phong phú và quý giá đó giúp anh có được kỹ năng tư duy tổng hợp, tầm nhìn bao quát về chiến thuật, chiến dịch trong chiến tranh.

Kết thúc khoá học kết quả học tập của anh đạt xuất sắc, và được giữ lại nhà trường làm giáo viên chiến thuật của Học viện trung cấp chỉ huy (nay là Học viện lục quân Đà Lạt). Dù trong thâm tâm anh vẫn thích ra chiến trường chiến đấu trực tiếp hơn, nhưng anh vẫn ở lại nhà trường và tham gia giảng dạy được ba khoá.

Đến tháng 10/1973, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Quân đoàn I, quân đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, Nguyễn Huy Hiệu về dự. Tháng 3/1975 anh đã vinh dự được tổ chức điều về làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1, và trực tiếp chỉ huy, hành quân thần tốc, vượt 1.700km, tiến về Sài Gòn giải phóng miền Nam trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Như cá gặp nước, hơn nữa, lúc này Nguyễn Huy Hiệu đã được đào tạo kỹ về chiến thuật, lại thu thập kinh nghiệm chiến đấu từ tất cả các chiến trường nên có kiến thức tổng hợp, có tầm nhìn về chiến thuật, chiến dịch xuất sắc, chỉ huy cuộc hành quân thần tốc.

Nhận được bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đài 15W với nội dung: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!”. Anh phổ biến mệnh lệnh này cho cán bộ, chiến sĩ. Anh em đang mệt nhọc, bừng dậy, tiếp tục hành quân vào tập kết ở Bình Phước.

4 giờ 15 ngày 30-4, Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu chỉ huy Trung đoàn 27 – Triệu Hải anh hùng, thuộc Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1, nay là Sư đoàn 390 (còn gọi là Đại đoàn Đồng Bằng), Binh đoàn Quyết Thắng nằm 1 mũi trong  5 mũi tấn công vào giải phóng Sài Gòn. Tiến công đập tan tuyến tử thủ Bắc Sài Gòn, chiếm cầu Vĩnh Bình. Tiếp đó, sẽ đánh chiếm Bộ tư lệnh thiết giáp Ngụy ở Gò Vấp và cùng với các cánh quân khác tấn công nhiều cứ điểm trọng yếu của địch; theo lệnh của Sư đoàn, Trung đoàn Triệu Hải phải là mũi thọc sâu vào mở cửa Lái Thiêu, đảm bảo thông đường đúng thời gian quy định, góp phần quan trọng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ Quốc.

Theo chia sẻ của Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu là sau khi nghỉ hưu, tôi được các trường đại học mời giao lưu, nói chuyện truyền lửa sống cho sinh viên thế hệ trẻ hôm nay, và tôi muốn nói với các bạn rằng: người Việt Nam nói chung, người chiến sĩ cách mạng nói riêng phải có một  ý chí, một nghị lực dám vượt lên những khó khăn. Phải khoan dung, phải độ lượng và cũng phải rất là nhân hậu. Các bạn hãy dám nghĩ dám làm dám chịu trách nhiệm và phải có tính quyết đoán để mình vươn lên làm chủ vận mệnh của mình và phải biết tôn sư trọng đạo, đấy là truyền thống, đấy là văn hóa của Việt Nam. Các bạn trẻ bây giờ có đầy đủ trí tuệ, các bạn tiếp cận về khoa học về công nghệ về môi trường về thông tin đa chiều nên các bạn sẽ nhìn thấy cái đúng, cái sai, cái thật, cái giả. Tôi rất tin các bạn sẽ vươn lên để làm chủ vận mệnh của mình. Trong bất cứ tình huống nào, người Việt Nam sẽ chiến thắng mọi kẻ thù bằng trí tuệ Việt Nam, bằng sức mạnh Việt Nam, bằng nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam.

*Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Anh hùng LLVTND, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng 3 khóa liền (8, 9 và 10), nguyên Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Tổng tham mưu trưởng, Viện sĩ khoa học quân sự. Ông sinh ngày 27/7/1947, quê xã Hải Long, huyện Hải Hậu, Nam Định. Năm 40 tuổi, ông được phong tướng, là vị tướng trẻ nhất của quân đội thời chống Mỹ.

 

Thanh Hương – Văn phòng Viện sỹ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *