Vị Tướng và những suy tư trận mạc

Từng tham gia 67 trận đánh trong suốt 4 chiến dịch lớn của cuộc chiến tranh giành độc lập tự do cho dân tộc, Anh hùng LLVTND Nguyễn Huy Hiệu đã tỏ rõ là một nhà chỉ huy quân sự có tài, cùng đồng đội lập nên những chiến công hiển hách. Nhưng phía sau những quyết đoán sắc sảo đầy chiến lược chiến thuật ấy là một trái tim nặng ân tình.

Được trò chuyện cùng ông trong một buổi sáng đầu đông se lạnh tại Văn phòng làm việc của Viện sĩ – Tiến sĩ Khoa học quân sự Nga bên hồ Trúc Bạch Hà Nội, chúng tôi càng hiểu thêm những suy tư nặng lòng của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu về con người và cuộc sống.

Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu

*Thưa Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, ông từng được Viện hàn lâm khoa học quân sự Nga trao bằng Viện sĩ chính thức năm 2010, và bản thân ông cũng có học vị Tiến sĩ. Phải chăng đó là do những cống hiến của ông trong khoa học quân sự?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu (TT NHH):

*Ông từng nói khoa học quân sự cũng chính là nghệ thuật quân sự, là khoa học về chiến lược, chiến thuật. Vậy theo ông, nghệ thuật chiến tranh của quân đội ta là gì? Bản thân ông có “sáng tạo” gì mới về chiến thuật không?

TT NHH:

Trong chiến tranh, quân đội ta áp dụng nghệ thuật chiến tranh nhân dân là chính. Chúng ta đã phát huy kinh nghiệm và truyền thống của cha ông ta trong các cuộc chiến tranh giữ nước suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Chúng ta đánh địch bằng mưu kế và thế trận chiến tranh nhân dân, còn thắng địch bằng thế thời. Phương châm là 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ và vật chất tại chỗ, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, với cả 3 thứ quân là quân đội chính quy, bộ đội địa phương và dân quân du kích, tận dụng thời cơ thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Tôi trưởng thành được trong chiến tranh cũng từ phương châm 4 tại chỗ này, kể từ khi còn là lính mới, đến lúc là tiểu đoàn trưởng năm 23 tuổi, trung đoàn trưởng năm 27 tuổi.

Tất nhiên, bản thân người chỉ huy, dù ở cấp nào, cũng phải biết tận dụng thời cơ, “dĩ bất biến, ứng vạn biến” thì mới có thể thành công. Về những “sáng tạo” trên thực tế chiến trường, tôi đã nói đến nhiều trong tập bút ký “Một thời Quảng Trị”. Ở đây, tôi chỉ kể lại một câu chuyện này, chính tôi từng trải qua những giây phút “thót tim” khi phải ra những quyết định táo bạo. Đó là chiến dịch đánh vào căn cứ Phu Lơ – một cứ điểm cao nhất nằm phía tây Quảng Trị, vào tháng 3-1972. Đây là một cứ điểm có vị trí quan trọng, là “con mắt thần” trên tuyến hàng rào điện tử Macnamara mà hai bên đã nhiều lần giành giật. Riêng trung đoàn 27 thì đây là lần thứ ba nhận nhiệm vụ đánh chiếm cứ điểm này. Trước đó đã có nhiều đồng đội của chúng tôi hi sinh. Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định giờ nổ súng tiến công trên toàn mặt trận là 11h30 ngày 30-3-1972. Nhưng đến 10h30 thì tiểu đoàn 3 của địch lọt vào trận địa phục kích của ta. Tôi với vị trí là tiểu đoàn trưởng lúc đó rất băn khoăn. Sau khi cân nhắc nhanh, tôi quyết định báo cáo Trung đoàn trưởng cho phép Tiểu đoàn nổ súng trước giờ G. Tiếng súng mở đầu chiến dịch của tiểu đoàn 3 đã góp phần quan trọng để toàn mặt trận cùng hiệp đồng giành thắng lợi chiếm điểm cao 544.

*”Đánh một trận sạch không kình ngạc/Đánh hai trận tan tác chim muông”. Tôi từng nghe kể nhiều về những chiến công trận mạc của ông. Ông có suy tư gì không về những chiến công đó? Sâu thẳm trong trái tim người lính, phải chăng đôi lúc cũng rung lên những cung bậc nhân văn nhân tình?

TT NHH:

​Như tôi đã nói, nghệ thuật quân sự của chúng ta là nghệ thuật chiến tranh nhân dân. Mà cốt lõi của nghệ thuật chiến tranh nhân dân là gì? Là “Lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn/Lấy chí nhân để thay cường bạo”, xây dựng thế trận trong lòng dân. Chẳng ai muốn có chiến tranh, nhưng cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền, giành độc lập dân tộc của nhân dân ta là cuộc chiến tranh chính nghĩa. Khi vận mệnh Tổ quốc lâm nguy, chúng ta buộc phải chiến đấu để cứu nước. Đầu rơi máu chảy cũng là không ai muốn, nhưng lại không thể tránh khỏi. Đó là điều làm tôi luôn day dứt trong cả cuộc đời trận mạc của mình cũng như suốt sau này. Ngay cả khi đang trực tiếp chỉ huy trên chiến trường, trong chừng mực có thể, tôi luôn mong muốn giảm thiểu tối đa thiệt hại cho đồng đội của mình đã đành, mà ngay cả đối với phía bên kia cũng vậy. Họ cũng là con người, cũng có gia đình, và họ cũng buộc phải ra trận vì thực hiện nghĩa vụ công dân của mình. Ngay trong trận Phu Lơ kể trên, ban đầu, địch đưa một đoàn đồng bào của ta vào trận địa để làm bia đỡ đạn hoặc đẩy lùi sự tấn công của ta. Chúng tôi đã phải hết sức giải thích cho bà con hiểu và không mắc mưu địch. Ngay sau khi chiếm được cứ điểm 544, bắt được thiếu tá Hà Thúc Mẫn, tiểu đoàn trưởng của địch tạo điều kiện cho đơn vị bạn dứt điểm 544 (Phulo), chúng tôi đề nghị ông ta gọi quân lính ra hàng, chứ không bao giờ nghĩ đến chuyện tiêu diệt. Trận đánh Lái Thiêu chiếm cầu Vĩnh Bình và các mục tiêu khác trong chiến dịch HCM cũng vậy.

Nhưng mất mát trong chiến trận là không tránh khỏi. Tôi đã từng chứng kiến nhiều đồng đội của tôi hi sinh. Có trận cả 18 anh em chúng tôi chia nhau tấm dù chiến lợi phẩm, thế rồi hi sinh 17 bạn, chỉ còn duy nhất mình tôi. Đau xót lắm. Hay sau trận đánh diệt cụm bộ binh cơ giới ở Sáp Đá Mài 5.4/1970 góp phần đánh bại chiến thuật trâu rừng của tướng Abraham, bên dòng sông Cam Lộ. Không lẽ để thi hài anh em ở lại cho bom đạn cày nát, những người còn sống thì cũng đã kiệt sức không thể lê lết mang theo thi hài đồng đội, tôi đã quyết định dùng dây dù buộc đá vào thi thể thả xuống sông. Đêm hôm sau chúng tôi quay lại đưa các liệt sĩ mai táng cẩn thận tại khu vực Tân Kim. Hôm nhận danh hiệu Anh hùng LLVT khi mới 26 tuổi (năm 1973), tôi đã khóc, khóc rất nhiều. Tôi nhớ hình ảnh từng đồng đội của mình đã ngã xuống cho tôi có vinh dự này. Tôi có một cuốn sổ ghi chép các trận đánh, tôi ghi rõ tên từng người hi sinh, quê quán, thời điểm hi sinh, nơi mai táng…Chỉ tính riêng số liệt sĩ mà tôi trực tiếp chứng kiến, có người do chính tay tôi băng bó thi thể, cõng đi mai táng, cũng đã lên tới vài trăm người. Chính nhờ thế, khi đã tàn cuộc chiến, tôi có dịp cùng nhiều gia đình đồng đội tôi đi tìm hài cốt của họ và đưa về an táng tại quê nhà.

​Trong hành trình trở lại chiến trường xưa, thăm lại các đồng đội cũ, tôi còn chứng kiến nhiều cảnh rất thương tâm của các đồng chí bị di chứng chất độc da cam, rồi những người dân bị nạn do bom mìn còn sót lại. Đặc biệt là trên mảnh đất Quảng Trị – nơi tôi đã từng tham gia chiến đấu hơn 10 năm trời, nơi có 83% tổng diện tích tự nhiên bị ô nhiễm bom mìn với hơn 7000 nạn nhân. Có gia đình sinh 5 đứa con thì 4 đứa không lành lặn do ảnh hưởng dioxin, hay có gia đình tới 4 người chết do bom mìn sót lại sau chiến tranh phát nổ. Xót xa lắm.

*Vâng, năm 2010 tôi đã đọc cuốn sách “Quân đội với vấn đề giải quyết hậu quả sau chiến tranh”. Hẳn đó là nó được tích tụ từ những niềm đau xót mà ông từng chứng kiến. Nhưng tôi cũng còn được biết, ông  từngđề xuất nên có ngày tưởng niệm tất cả các nạn nhân chiến tranh. Ông có thể nói rõ hơn về đề xuất này?

TT NHH:

​Đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta đã có từ ngàn đời nay. Đảng và Nhà nước ta cũng đã có rất nhiều chính sách tri ân trên địa bàn cả nước. Tuy nhiên theo tôi chúng ta cũng nên có một ngày tưởng niệm dành cho tất cả các nạn nhân trong các cuộc chiến tranh. Từ hoạt động này sẽ góp phần khơi dậy lòng yêu nước, tình đoàn kết dân tộc, vượt qua mọi rào cản để hòa hợp cùng xây dựng và phát triển đất nước. Gần đây chúng ta đã có Ngày tưởng niệm các nạn nhân bị tai nạn giao thông vào chủ nhật thứ ba của tháng 11 hàng năm, vậy tại sao không thể có Ngày tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh, vào một ngày nào đó của tháng 7 hàng năm chẳng hạn? Tôi rất mong như vậy.

*Trân trọng cảm ơn Thượng tướng đã chia sẻ những tâm tư tự đáy lòng mình, để chúng tôi hiểu được, bên trong sự quyết đoán, quả cảm của một người chỉ huy trận mạc tài năng, vẫn có một trái tim người lính luôn rung lên những nhịp đập ân tình.

 

NGUYỄN THỊ TRÂM (thực hiện)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *