(Nhân dịp đất nước kỷ niệm 78 năm Quốc khánh 2/9)
PV: Là người nghiên cứu về khoa học quân sự, nhân dịp đất nước kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, theo Viện sỹ, bài học lớn nào từ cuộc Cách mạng Tháng Tám khiến ông suy nghĩ nhiều nhất?
Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu: Với tôi, thành công từ cuộc Cách mạng Tháng Tám đem lại cho chúng ta rất nhiều bài học. Với tôi, bài học về sự đoàn kết toàn dân khiến tôi suy nghĩ rất nhiều.
Sinh thời, Hồ Chủ tịch có nói: “Dễ trăm lần, không dân cũng chịu/Khó vạn lần, dân liệu cũng xong”. Nhắc lại lời này của Hồ Chủ tịch là để một lần nữa khẳng định sức mạnh của lòng dân.
Là người nghiên cứu về khoa học quân sự, tôi nghĩ nhiều đến nghệ thuật chiến tranh nhân dân của Việt Nam.
Tất cả các nước trên thế giới, khi trải qua mỗi đời Tổng thống thì họ đều có học thuyết quân sự trong nhiệm kỳ của mình. Nhưng học thuyết quân sự đó chỉ nói về quân sự, còn các nội dung khác thì không đề cập tới.
Cuộc chiến tranh nhân dân để giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam là một cuộc chiến với ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích với các quân binh chủng khác nhau.
Tất cả các lực lượng đó nằm trong thế trận chiến tranh nhân dân. Sức mạnh được phát huy chính là sức mạnh của truyền thống Việt Nam, văn hoá Việt Nam từ ngàn đời, sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc.
PV: Theo như Thượng tướng nói, việc đoàn kết sức dân để có thể thiết lập được thế trận chiến tranh nhân dân là yếu tố xuyên suốt quá trình Việt Nam giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc?
Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu: Việt Nam đã từng đánh thắng những đế quốc lớn bằng nghệ thuật quân sự Việt Nam, bằng chiến tranh nhân dân Việt Nam, bằng truyền thống quật cường của nhân dân Việt Nam từ ngàn đời: “Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn/Lấy trí nhân thay cường bạo”.
Các trận đánh như Điện Biên Phủ và chiến dịch Hồ Chí Minh đã nói lên sức mạnh của chiến tranh nhân dân. Đó là những đỉnh cao của nghệ thuật chiến tranh nhân dân.
Chúng ta đã có học thuyết chiến tranh nhân dân, nghệ thuật đánh địch bằng mưu kế thế trận và thắng địch bằng thế thời.
Vì thế, theo tôi, chúng ta cần phải hoàn thiện học thuyết quốc phòng Việt Nam. Học thuyết này không chỉ nói về nghệ thuật quân sự chiến tranh Việt Nam mà còn nói về nghệ thuật chiến tranh nhân dân – một nghệ thuật quân sự không nước nào có.
Đó là sức mạnh tổng hợp của cả một hệ thống chính trị nên nó nói về quân sự, chính trị, ngoại giao, kinh tế và cả về văn hoá. Việc hoàn thiện học thuyết quốc phòng Việt Nam có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Đây là còn là sự tổng kết 70 xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng vũ trang trong đó có quân đội và công an.
Tôi tin đó là tài sản cho các thế hệ sau này và cần có 1 ngày để kỷ niệm các nạn nhân chiến tranh hy sinh về nền độc lập của dân tộc./.