Ngày 24-10-1973, Quân đoàn 1, Binh đoàn Quyết thắng, một trong những quân đoàn chủ lực, cơ động, dự bị chiến lược của Quân đội ta được thành lập; đánh dấu bước phát triển mới của Quân đội nhân dân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu tác chiến, chiến lược của cách mạng miền Nam trong giai đoạn phát triển cao cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Quân đoàn đã thần tốc, táo bạo chớp thời cơ, tổ chức lực lượng đột kích thọc sâu với quy mô lớn, vượt cầu Xa Lộ đánh thẳng vào nội đô mở tung cánh cửa phía Đông và Đông Nam Sài Gòn. Đội hình xe tăng và bộ binh đã hùng dũng xông lên, húc đổ cánh cổng sắt, đánh chiếm Dinh Độc Lập, bắt sống toàn bộ nội các ngụy quyền Sài Gòn, buộc chúng phải đầu hàng vô điều kiện.
Ngay sau khi Hiệp định Paris (năm 1973) được ký kết, đế quốc Mỹ tiếp tục duy trì một bộ phận quân Mỹ ở khu vực Đông Nam Á, đồng thời đốc thúc chính quyền ngụy Sài Gòn ra sức phá hoại Hiệp định Paris. Trước tình hình đó, ngày 15-10-1973, Quân ủy Trung ương (QUTƯ) họp, đề nghị Bộ Chính trị cho thành lập một số quân đoàn chủ lực cơ động trực thuộc Bộ Quốc phòng. Theo đề nghị của QUTƯ và Bộ Quốc phòng, tháng 10-1973, Bộ Chính trị đã phê chuẩn việc thành lập các quân đoàn chủ lực.
Chấp hành nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 24-10-1973, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư QUTƯ, Phó thủ tướng Chính phủ, kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 142/QĐ-QP thành lập Quân đoàn 1. Theo Quyết định của Bộ Quốc phòng, cơ cấu tổ chức của Quân đoàn gồm: Bộ tư lệnh Quân đoàn; 3 cơ quan Quân đoàn: Bộ Tham mưu, Cục Chính trị, Cục Hậu cần; các đơn vị: Sư đoàn Bộ binh 308, Sư đoàn Bộ binh 312, Sư đoàn Bộ binh 320B, Sư đoàn Phòng không 367, Lữ đoàn Xe tăng thiết giáp 202, Lữ đoàn Pháo binh 45, Lữ đoàn Công binh 299 và Trung đoàn Thông tin 140. Nhận thức rõ vị trí, chức năng đặc biệt quan trọng và nhiệm vụ của binh đoàn chủ lực, cơ động chiến lược đầu tiên của QĐND Việt Nam, Bộ Chính trị và QUTƯ, Bộ Quốc phòng đã tập trung cho Quân đoàn những tướng lĩnh, cán bộ trung-cao cấp dày dạn kinh nghiệm chiến đấu như: Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, kiêm Tư lệnh Quân đoàn; Thiếu tướng Lê Quang Hòa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, kiêm Chính ủy Quân đoàn.
Ngày 4-11-1973, QUTƯ triệu tập hội nghị Đảng ủy Quân đoàn lần thứ nhất tại nhà số 28 phố Cửa Đông, Hà Nội. Thượng tướng Văn Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam dự và chỉ đạo hội nghị. Thay mặt Bộ Chính trị, QUTƯ, Thượng tướng Văn Tiến Dũng công bố Quyết định thành lập Quân đoàn 1, Quyết định thành lập Đảng bộ Quân đoàn, đồng thời yêu cầu Quân đoàn khẩn trương tập hợp quân, ổn định tổ chức các cơ quan, đơn vị; xác định vị trí đứng chân của các đơn vị trong Quân đoàn, đặc biệt là vị trí của Bộ tư lệnh và các cơ quan.
Ngay sau đó, đoàn cán bộ các cơ quan Quân đoàn dưới sự chỉ huy của Đại tá Hoàng Đan, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân đoàn đã tới các khu vực Tam Điệp, Nho Quan (Ninh Bình), Yên Thủy (Hòa Bình), Thạch Thành, Cẩm Thủy (Thanh Hóa) để tìm một địa điểm đóng quân của Bộ tư lệnh và cơ quan Quân đoàn hội đủ những tiêu chuẩn cơ bản. Sau khi nghe đoàn công tác báo cáo kết quả khảo sát, phân tích thuận lợi, khó khăn cụ thể của từng vị trí, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn chọn khu vực Tam Điệp để đặt sở chỉ huy Quân đoàn. Sự lựa chọn này của Quân đoàn 1 nhanh chóng được Bộ Quốc phòng phê chuẩn.
Sự chỉ đạo chiến lược xuyên suốt của Quân đoàn
Hội nghị Đảng ủy Quân đoàn lần thứ hai được tiến hành vào ngày 6-1-1974. Đảng ủy cho rằng, các đơn vị thuộc Quân đoàn đều là những đơn vị có bề dày truyền thống và kinh nghiệm chiến đấu, huấn luyện và công tác. Tuy nhiên, do mới thành lập nên Quân đoàn còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chỉ huy các cấp trong Quân đoàn vẫn còn có những hạn chế nhất định. Bên cạnh mặt mạnh là đã trải qua chiến đấu nhưng đại đa số cán bộ của Quân đoàn chưa được đào tạo, bồi dưỡng cơ bản, đúng cương vị; đội ngũ cán bộ cơ sở chưa đủ số lượng, trình độ năng lực không đồng đều và hạn chế so với yêu cầu, lề lối tác phong công tác giữa các đơn vị và cơ quan, giữa các ngành chưa thống nhất.
Xuất phát từ những thuận lợi và khó khăn trên, Đảng ủy đề ra 3 yêu cầu để toàn Quân đoàn phấn đấu: “Một là, Quân đoàn 1 là một Binh đoàn chiến dịch cơ động, thường được nhận nhiệm vụ trên hướng chủ yếu của chiến dịch. Đối tượng trước mắt của Quân đoàn là quân ngụy Sài Gòn, có không quân và hải quân Mỹ chi viện… Trong chiến đấu, Quân đoàn phải tiêu diệt từng sư đoàn địch, thực hiện tiêu diệt lớn về chiến dịch, góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường. Hai là, Quân đoàn 1 là một tổ chức binh chủng hợp thành quy mô lớn đầu tiên của Quân đội ta, yêu cầu tập trung thống nhất cao. Để phát huy sức mạnh tổng hợp, phải xây dựng Quân đoàn chính quy, hiện đại, sẵn sàng chiến đấu cao nhất và hoàn thành mọi nhiệm vụ cấp trên giao cho. Ba là, Quân đoàn 1 là một binh đoàn chủ lực cơ động, nhiệm vụ chủ yếu của Quân đoàn là huấn luyện và chiến đấu, song dù thời bình hay thời chiến, Quân đoàn cũng phải tham gia làm kinh tế. Trước mắt cần ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, tự túc một phần lương thực, thực phẩm, giảm bớt sự đóng góp của nhân dân, tích cực góp phần xây dựng kinh tế, củng cố hậu phương”.
Căn cứ vào 3 yêu cầu trên, Đảng ủy đề ra mục tiêu phấn đấu cho Quân đoàn: “Ra sức phát huy những thuận lợi đã có, kiên quyết khắc phục khó khăn, khẩn trương xây dựng Quân đoàn chính quy, hiện đại, có sức chiến đấu cao, sức đột kích mạnh, sức cơ động lớn, sẵn sàng chiến đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ trên giao. Phấn đấu đến hết năm 1974, khả năng tác chiến được nâng lên một bước và năm 1975, khả năng chiến đấu quy mô toàn Quân đoàn hoàn chỉnh hơn”. Đảng ủy Quân đoàn cũng chỉ rõ: Trong khi thực hiện mục tiêu trên, cần nắm vững xây dựng Quân đoàn một cách toàn diện cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức; về huấn luyện và cơ sở vật chất kỹ thuật, trong đó lấy xây dựng chính trị tư tưởng làm cơ sở, lấy huấn luyện làm trung tâm, lấy xây dựng cơ sở vật chất là hết sức quan trọng. Để làm được điều này, Thường vụ Đảng ủy xác định 3 khâu then chốt trong lãnh đạo để tạo nên sự chuyển biến rõ rệt: “Một là, xây dựng đơn vị cơ sở mạnh, vì đây là tổ chức chiến đấu cơ bản của Quân đội ta. Chú trọng các đơn vị trực thuộc là đơn vị mới thành lập. Hai là, xây dựng trung đoàn (lữ đoàn) mạnh, vì đó là đơn vị chiến thuật cơ bản. Ba là, xây dựng cơ quan mạnh, trước hết là cơ quan Quân đoàn và sư đoàn”.
Hội nghị Đảng ủy Quân đoàn lần thứ hai là một sự kiện quan trọng, có ý nghĩa lịch sử của Quân đoàn. Ở hội nghị lần thứ hai, Đảng ủy Quân đoàn đã xây dựng được một định hướng chính trị xây dựng Quân đoàn vững mạnh toàn diện. Đây là cơ sở, là điều kiện quyết định, tác động sâu sắc đến quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đoàn 1.
Hướng về miền Nam, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 1 vừa huấn luyện, vừa chuẩn bị các mặt về dự trữ vật chất, mạng đường cơ động chiến lược, chiến dịch, sẵn sàng vượt núi băng rừng tiến vào chiến trường. Chấp hành mệnh lệnh của Tổng Tham mưu trưởng, Nghị quyết Hội nghị Đảng ủy lần thứ hai và Chỉ lệnh huấn luyện chiến đấu năm 1974 của Tư lệnh Quân đoàn, các đơn vị trong Quân đoàn khẩn trương bước vào mùa huấn luyện đầu tiên với khẩu hiệu hành động “Toàn Quân đoàn là một trường huấn luyện”; “Toàn Quân đoàn huấn luyện giỏi để đánh thắng quân thù”.
Đầu năm 1974, số chiến sĩ mới nhập ngũ vào các đơn vị trong Quân đoàn nhiều nên Bộ tư lệnh Quân đoàn đã chỉ đạo các đơn vị chú trọng huấn luyện phân đội nhỏ, huấn luyện chiến sĩ thuần thục các động tác cơ bản, biết chiến đấu độc lập và giỏi chiến đấu trong đội hình trung đội, đại đội, cả trong chiến đấu tiến công và chiến đấu phòng ngự. Cùng với đó, Quân đoàn phát động Phong trào thi đua “Rèn luyện tốt, lập công lớn” gắn với thực hiện Phong trào thi đua Quyết thắng do Quân ủy Trung ương khởi xướng. Quán triệt các nội dung, chỉ tiêu thi đua do cấp trên phát động, trên các thao trường, bộ đội đều miệt mài hăng say luyện tập.
Kết quả huấn luyện năm 1974 của các đơn vị trong Quân đoàn đã bảo đảm độ chắc chắn, góp phần quan trọng để đầu tháng 2-1975, Bộ tư lệnh Quân đoàn tổ chức diễn tập chỉ huy-cơ quan 2 cấp (Quân đoàn-sư đoàn) đạt kết quả tốt. Trong diễn tập, Quân đoàn đồng thời sử dụng nhiều cách đánh, tiến công bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng, giải quyết đồng thời nhiệm vụ đột phá cụm cứ điểm vòng ngoài và thọc sâu vào thị xã; tiến công nhanh, mạnh, không để địch kịp co cụm, tiêu diệt địch ngay trong sào huyệt của chúng. Đó chính là một trong những phương hướng tác chiến chiến dịch điển hình mà Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng dự kiến sẽ áp dụng trong các chiến dịch tiến công tổng hợp năm 1975. Thông qua cuộc diễn tập, trình độ kỹ thuật, chiến thuật trong chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ được nâng lên; bộ đội tin tưởng vào khả năng chiến đấu của đơn vị, tin vào cách đánh mới-cách đánh hiệp đồng binh chủng trong những điều kiện mới.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Quân đoàn 1 vừa thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu vảo vệ miền Bắc XHCN-hậu phương chiến lược của cả nước, vừa tổ chức cuộc hành quân thần tốc từ miền Bắc vào Nam theo đường Trường Sơn (nay là đường Hồ Chí Minh); chỉ trong 12 ngày đêm đã thần tốc vượt một chặng đường dài hơn 1.700km, kịp thời vào tham gia chiến đấu trên hướng chiến lược chủ yếu của chiến dịch. Chủ động khắc phục những khó khăn to lớn về đảm bảo cơ động, về hậu cần-kỹ thuật và chuẩn bị chiến trường, Quân đoàn đã nắm vững thời cơ kiên quyết tiến công thần tốc, táo bạo, bất ngờ đánh chiếm những mục tiêu quan trọng có tính chất chiến lược trong hệ thống phòng thủ của địch trên hướng Bắc Sài Gòn, những trận đánh đầu tiên ở Thủ Dầu Một, Bến Cát, Sông Bé,… thực hiện mũi thọc sâu theo trục đường 13; tiêu diệt và bức hàng hoàn toàn sư đoàn 5 ngụy, giải phóng tỉnh Bình Dương; táo bạo thọc sâu tham gia đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu-cơ quan đầu não của quân đội Việt Nam cộng hòa, quận lỵ Gò vấp, tiểu khu Gia Định. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng giải phóng Sài Gòn-Gia Định, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, xây đắp nên truyền thống vẻ vang “Thần tốc-Quyết thắng”.
Ngay sau ngày đất nước hoàn toàn được giải phóng (30-4-1975), để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới của cách mạng Việt Nam, Quân đoàn một lần nữa thực hiện cuộc hành quân “thần tốc” từ Nam ra Bắc, làm nhiệm vụ huấn luyện, xây dựng đơn vị sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới-kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Quân đoàn “Quân Tiên Phong” vinh dự được Quân ủy Trung ương – Bộ Quốc phòng giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, cùng với quân, dân cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tự hào với truyền thống vẻ vang và thành tích đã giành được trong suốt nửa thế kỷ qua, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 1- “Binh đoàn Quyết thắng”, Binh đoàn chủ lực cơ động đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam đang ra sức vận dụng, kế thừa và phát triển những bài học kinh nghiệm quý báu, quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Quân đoàn “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”; vững mạnh toàn diện, “Mẫu mực, tiêu biểu”; không ngừng nâng cao sức mạnh tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu, làm tròn nhiệm vụ của Quân đoàn chủ lực, cơ động, dự bị chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ NGUYỄN HUY HIỆU, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Anh hùng LLVT Nhân dân