Những ký ức bước ra từ “đất lửa”

Kỳ 2: Những kỷ niệm về đối ngoại quốc phòng

(Tiếp theo và hết)

Năm 2000, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Nguyễn Huy Hiệu được phân công trực tiếp phụ trách công tác đối ngoại quân sự. Năm 2008, ông hoàn thành cuốn sách “Một thời Quảng Trị”, sau này nằm trong tủ sách tặng Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm Việt Nam năm 2016.

Đòn cân não và 180 chiếc đĩa CD

“Trong thời gian tôi làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách đối ngoại, vấn đề cân não nhất trong đấu tranh thời đó là đàm phán về vấn đề “Tù nhân chiến tranh và quân nhân mất tích” (POW/MIA) với Mỹ”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu chia sẻ. Việc hợp tác tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam luôn gắn với những sự kiện quan trọng trong lịch sử quan hệ Việt Nam – Mỹ. Trên lộ trình bình thường hóa quan hệ với Mỹ, có nhiều nút thắt và POW/MIA được xem là “cái chốt” khó nhất mở ra hàng loạt vấn đề.

Ông nhớ lại: “Từ việc Mỹ dở bỏ lệnh cấm vận, hai bên bình thường hóa quan hệ ngoại giao, tới chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Mỹ tới Việt Nam năm 2000. Có rất nhiều vấn đề trong đàm phán, nhưng theo tôi đây là cái chốt khó nhất, phải mất nhiều năm đấu tranh mới đạt được. Cuộc đấu tranh này rất dài, chúng tôi chỉ là những người kế tục, làm phần công việc sau khi được Trung tướng Trần Hanh bàn giao. Chúng tôi đã đấu tranh với nhiều đoàn của Mỹ. Tôi nhớ lúc đó, trợ lý của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Kissinger cũng sang Hà Nội trực tiếp đàm phán, trong đó có việc giúp tìm người Mỹ đang sống và người Mỹ đã mất tích trong cuộc chiến ở miền nam và các phi công hy sinh ở miền bắc.

Cuối cùng, có lẽ đòn cân não lớn nhất lúc đó mà chúng tôi đấu với đoàn Mỹ là khi phía Mỹ nói có gần 2.000 bà mẹ Mỹ đang mong chờ từng ngày để được đưa thi hài con về Mỹ. Lúc đó, chúng tôi còn nói với người Mỹ rằng: “Bây giờ các ngài chỉ nghĩ đến người mẹ Mỹ đối với người con, đó là tôi chưa nói về việc các bạn xâm lược Việt Nam, tôi chỉ nói về con người thôi, thì bà mẹ của phi công Mỹ, bà mẹ người Mỹ với người mẹ Việt Nam khác nhau ở chỗ nào? Bây giờ chúng tôi còn 300.000 người Việt Nam mất tích trong cuộc chiến với Mỹ ở miền nam Việt Nam, có nghĩa là 300.000 người mẹ Việt Nam bây giờ cũng chưa có tin tức gì về con… Nên tôi đề nghị các ngài nên cung cấp cho chúng tôi tất cả những thông tin người Việt Nam mất tích trong cuộc chiến tranh mà các ngài đã gây ra. Nỗi đau của bà mẹ nào cũng giống nhau mà thôi”.

Đến năm 2005, Tướng Hiệu sang thăm Mỹ và nhận 180 đĩa CD mà trong chiến tranh ở Việt Nam, Mỹ quay những người Việt Nam hy sinh trong các chiến trường, đặc biệt là ở miền nam, chiến trường Quảng Trị, chiến trường Tây Nguyên và các chiến trường Đông Nam Bộ. Những chiếc đĩa CD trở thành tư liệu phục vụ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Dựa vào những đĩa CD sau khi xử lý kỹ thuật đã tìm kiếm được các mồ chôn tập thể của chiến sĩ ta ở Tây Nguyên, ở Quảng Trị, ở các nơi khác có những mồ chôn cả mấy trăm người… Về sau, hợp tác POW/MIA, giải quyết chất độc dioxin được xem là những điểm sáng, được đề cập trong nhiều văn kiện quan trọng giữa hai nước.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu và những cuốn sách ông đã viết. Ảnh: HẢI NAM

Cuốn sách tặng Tổng thống Mỹ

Trong cuộc nói chuyện giữa chúng tôi, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu kể lại một chi tiết làm tôi đặc biệt chú ý: “Tôi có một cuốn sổ ghi chép các trận đánh, tôi rõ tên những người hy sinh quê quán thời điểm hy sinh nơi mai táng… Chỉ tính riêng số liệt sĩ mà tôi trực tiếp chứng kiến, có người do chính tay tôi đưa thi thể đi mai táng, cũng đã lên tới vài trăm người. Khi đã tàn cuộc chiến, tôi cùng nhiều gia đình đồng đội đi tìm hài cốt của họ và đưa về an táng tại quê nhà. Khi hết chiến tranh, tôi có ý tưởng ghi chép tất cả thông tin của mình trong các trận đánh cộng với tư liệu của Trung đoàn 27 và các tư liệu của tỉnh Quảng Trị. Tôi ấp ủ phải viết một quyển sách, đó là “Một thời Quảng Trị”. Mục đích quyển sách này là để tri ân đồng chí, đồng đội và đồng bào đã cưu mang quân giải phóng trong giai đoạn gay go nhất trong chiến trường Quảng Trị”.

Vì vậy, ngoài thông tin trong cuốn sổ nhỏ theo ký hiệu mà Tướng Hiệu ghi chép, kèm với tư liệu của Trung đoàn 27, ông đã cùng người bạn thân lâu năm của mình là nhà văn Lê Hải Triều cho ra đời cuốn “Một thời Quảng Trị”. Quá trình hình thành cuốn sách bao gồm thời gian khoảng ba tháng ông hồi tưởng lại cùng nhà văn Lê Hải Triều, sáu tháng ròng rã ông trở lại chiến trường xưa. Sau khi khảo sát tất cả chiến trường trên thực tế và tập hợp lại các nhân chứng lịch sử của Trung đoàn 27, hai ông bắt đầu viết trong khoảng thời gian ba tháng, rồi chuyển giao cho Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân biên tập lại. Cuốn sách in lần đầu năm 2008 là hơn một vạn cuốn, sau đó tái bản lần hai năm 2009 với bìa cứng trang trọng.

“Lần thứ ba thì dịch ra tiếng Anh, khi một dịch giả ở Huế tình nguyện dịch để chia sẻ với độc giả thế giới khi họ có nhu cầu tìm hiểu”, ông nói thêm. Nguyên Thứ trưởng Quốc phòng chia sẻ: “Hiệu ứng lớn nhất của cuốn sách này có ý nghĩa đặc biệt với cả người Mỹ và người Việt Nam. Tôi đã nhớ lại những câu chuyện những người chiến sĩ chiến đấu bên tôi. Tôi nhớ được tên tuổi họ và quên quán họ. Chính vì điều này mà nhiều hài cốt đồng đội đã tìm được để đưa về quê. Đây là điều xúc động nhất đối với các gia đình liệt sĩ. Trong cuộc đời binh nghiệp, tôi tham gia chiến đấu từ người lính, rồi phấn đấu làm Tiểu đội trưởng, Trung đội trưởng, Đại đội trưởng, Tiểu đoàn trưởng, Trung đoàn trưởng. Đó là những chức vụ của tôi trong chiến tranh, và nhờ vậy tôi nhớ được các địa danh đã chiến đấu”.

“Khi Tổng thống Obama sang Việt Nam, Bộ Ngoại giao đề nghị tôi tặng cho đoàn bốn quyển”, ông kể với chúng tôi. Cuốn hồi ký “Một thời Quảng Trị” bản tiếng Anh của Thượng tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Huy Hiệu do nhà văn Lê Hải Triều chắp bút, GS Lê Quang Long dịch là một ấn phẩm được chọn làm quà tặng Tổng thống Barack Obama trong chuyến thăm Việt Nam năm 2016. Quyển sách này hiện nằm trong thư viện của Washington, cả bản tiếng Việt và Tiếng Anh.

Thanh Tâm (Ghi)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *